LQA: BÀI HỌC KINH NGHIỆM

blog main banner

Bước vào thế giới mới

Chúng mình gia nhập Hansem Việt Nam khi vừa tốt nghiệp đại học và hoàn toàn lạ lẫm trước những khái niệm về “Bản địa hóa”, đặc biệt là ở lĩnh vực Kiểm định chất lượng ngôn ngữ (LQAẤn tượng đầu tiên của chúng mình về Hansem gói gọn trong 2 từ “Hoàn thiện”. Thời điểm ấy, chúng mình vẫn cảm nhận được Hansem quả thật là một nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ (LSP) hàng đầu, mang đến khái niệm tổng quát về tính “trọn gói” với dịch vụ và lĩnh vực đa dạng, từ đó tạo cơ sở cho lòng tin cho khách hàng và các bên liên quan. Là những cử nhân còn non trẻ, chúng mình đã rất may mắn khi tìm được một môi trường phù hợp để xây dựng nền tảng chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp và được cộng tác với những anh chị đồng nghiệp tuyệt vời.

Scripted by
Boi Hy,
Tran Luu
Buổi họp của LQA

Bước đầu chập chững

Trọng tâm của chương trình đào tạo thành viên đội LQA chính là Đào tạo ngôn ngữ. Tất cả ngôn ngữ mà Hansem Việt Nam đảm nhận sẽ được chia thành các nhóm nhỏ dựa vào điểm chung của chúng và nhà cung cấp (vendor) tương ứng chịu trách nhiệm về nhóm ngôn ngữ đó. Chương trình đào tạo ngôn ngữ này được thiết kế phù hợp với số lượng dự án mỗi mùa và những công việc liên quan khác. Khởi đầu chương trình là nhóm ngôn ngữ Đông Nam Á, tiếp đến là các nhóm hệ Latin đơn giản, rồi đến các nhóm không thuộc hệ Latin, các ngôn ngữ của vendor CCJK (nhóm tiếng Trung Quốc) và nhóm ngôn ngữ từ phải sang trái (RTL). Sau khi hoàn thành mỗi một nhóm ngôn ngữ trong chương trình đào tạo, chúng mình được bắt tay vào dự án thật với nhóm ngôn ngữ đó, cho đến thời điểm chương trình kết thúc là chúng mình có thể thực hiện kiểm định bất cứ ngôn ngữ nào tại Hansem Việt Nam. Thời gian đào tạo có thể kéo dài đến khoảng trên dưới một năm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tần suất dự án hay năng lực của chính cá nhân thể hiện qua quá trình được đào tạo. Chúng mình thường ví von đội LQA với các Pokémon – dần dần tiến hóa sau mỗi cấp bậc của chương trình đào tạo ngôn ngữ và đạt đến hình thái hoàn chỉnh nhất sau khi hoàn tất toàn bộ chương trình.

Có công mài sắt, có ngày nên kim

Chúng mình vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp vào những ngày đầu làm việc. Có rất nhiều điều để chúng mình tìm hiểu: quy trình làm việc của đội ngũ Sản xuất với nhiều loại dự án, những công cụ hỗ trợ dịch máy (CAT tools) chuyên biệt, các thuật ngữ chuyên ngành, v.v., và quan trọng hơn hết là cách kết hợp mọi thứ với tất cả các bên liên quan để công việc vận hành một cách trơn tru. Nói một cách chi tiết hơn, con đường trở thành một nhân viên LQA hoàn chỉnh được trải đầy những bài kiểm tra đánh giá. Vừa tốt nghiệp, thoát khỏi cảnh thi cử ở trường học để rồi nhận công việc đầu tiên lại với hàng tá lần làm kiểm tra (dưới dạng dự án giả lập) – nghe qua có vẻ khá căng thẳng phải không? Chúng mình đã có lúc thất vọng khi kết quả kiểm định dự án trong chương trình đào tạo không được như mong đợi. Có khi, chúng mình lại thấy khá bất lực khi chỉ mới đảm nhận được vài thứ tiếng trong một dự án thật. Tất nhiên, chúng mình cũng không khỏi lúng túng trước những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc và cần lời khuyên của các anh chị đồng nghiệp.

“Học đi đôi với hành”, quá trình thích nghi với quy trình làm việc, học hỏi từ những điều nhỏ nhất và trưởng thành sau những trải nghiệm đều cần có thời gian và nỗ lực. Sau quãng thời gian miệt mài rèn luyện cùng những lời góp ý chi tiết từ các “tiền bối”, chúng mình cuối cùng đã lĩnh hội được những nét đặc trưng của từng nhóm ngôn ngữ, hiểu được nguyên nhân của những lần mắc lỗi và biết cách hạn chế bỏ sót lỗi trong các dự án sau này để thành công “mở khóa” những cấp bậc tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng mình hiểu được rằng LQA chưa bao giờ chỉ đơn thuần là bắt lỗi. Chúng mình đã được học hỏi cách giải quyết vấn đề, đóng góp ý tưởng cá nhân (dù còn nhiều thiếu sót) và ngày càng cải thiện các kĩ năng. Giao tiếp có hiệu quả là một trong những khía cạnh mà chúng mình tập trung phát triển nhất vì điều này đóng vai trò quan trọng đối với công việc LQA tại Hansem Việt Nam. “Viết email” nghe có vẻ đơn giản, nhưng viết sao cho “ngắn gọn súc tích” thì khó hơn lên trời. Trong những ngày đầu chập chững, chúng mình đã vô tình gây ra nhiều rắc rối to nhỏ vì viết email không rõ ràng. Nhưng một khi đã gắn bó với công việc, chúng mình rồi cũng học được cách rút gọn những đoạn văn lê thê thành các ý chính và trả lời đúng trọng tâm khi nhận được bất kì thắc mắc nào, để đảm bảo việc giao tiếp luôn được suôn sẻ giữa các bên như MPM (Quản lý dự án đa ngôn ngữ) và vendor.

Kiểm định chất lượng cho ngôn ngữ tượng hình và tượng thanh – Thách thức và bài học

Phần lớn công việc hàng ngày của chúng mình dành cho việc kiểm định chất lượng (QA) cho nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Điều ngạc nhiên là mỗi nhóm đều có đặc điểm riêng, đặc biệt là cho các từ ngữ tượng hình và tượng thanh. Hai ví dụ sinh động gồm có tiếng Myanmar và các tiếng được viết từ phải sang trái (RTL).

Giao diện làm việc của LQA

Tiếng Myanmar là một trong những ngôn ngữ cuối cùng trong chặng đường đào tạo một LQA, điều này làm chúng mình không khỏi lo lắng và cả tò mò. Hệ thống kí tự của tiếng Myanmar cực kì phức tạp, điển hình là có nhiều dấu cách ẩn giữa các chữ cái Myanmar, nên việc di chuyển giữa từng từ đòi hỏi sử dụng các nút mũi tên trên bàn phím thay vì dùng chuột. Ngôn ngữ mới này còn sử dụng font chữ khác nhau cho các loại dự án riêng biệt (font Pyidaungsu – dùng bảng mã Unicode & font ZawgyiOne – không dùng bảng mã Unicode), nên việc áp dụng đúng loại font chữ là hết sức quan trọng. Cũng vì lý do đó, chúng mình lưu trữ bản dịch Myanmar trên nhiều Bộ nhớ Dịch (Translation Memory) khác nhau. Vì bản chất phức tạp của tiếng Myanmar, Biên dịch viên đôi lúc còn được yêu cầu kiểm tra font chữ của file tiếng đích hoàn chỉnh đã được kiểm định chất lượng. Dù quy trình kiểm định tiếng Myanmar có nhiều thách thức, chúng mình vẫn xem đây là một ngôn ngữ thú vị, và là cơ hội để rèn dũa kỹ năng trong vai trò là một thành viên LQA.

Nhóm ngôn ngữ viết từ phải sang trái (RTL) là nhóm cuối cùng trong chương trình đào tạo LQA, bao gồm tiếng Ả Rập (Arabic), Ba Tư (Farsi), Do Thái (Hebrew) và Urdu. Ngoài bảng chữ cái phức tạp, thì hệ thống chữ viết theo chiều ngược lại có thể được xem là phần phức tạp nhất khi kiểm định chất lượng. Chúng mình phải trải qua rất nhiều dự án mới có thể làm quen với cách định vị thuật ngữ và các biến tố trong câu để đề phòng các “báo động giả” (false positive). Tất cả những biểu tượng như dấu mũi tên trong bài dịch cũng phải được lật theo chiều ngược lại để khớp với chiều của văn bản, qua sự hỗ trợ phát hiện lỗi từ phần mềm QA Checker và QA Distiller. Hơn nữa, việc chèn cặp tag bằng cách sao chép chúng từ câu gốc tiếng Anh cũng rất nguy hiểm. Lâu lâu “chèn” tag xong thấy nó cứ ngược ngược so với ngôn ngữ gốc thì cũng đừng lo nha! Cứ niệm thần chú “Phải qua trái” là chuẩn hết! Một bí quyết để kiểm tra văn bản kỹ càng là (lại) dùng các nút mũi tên trên bàn phím, thay vì dùng chuột để di chuyển qua lại trong một câu để xem vị trí thực sự của tag và chữ cái. Trên đây là những nét riêng mà chúng mình đã đúc kết được từ nhóm ngôn ngữ RTL. Càng tiếp xúc nhiều hơn với dự án thật, chúng mình càng để ý và làm quen hơn với đặc trưng của chúng.

Trải qua tất cả các mốc trong quá trình đào tạo với tổng cộng khoảng 50 ngôn ngữ, chúng mình không khỏi cảm thấy ấn tượng và vui mừng khi được là một mắt xích trong chuỗi L10N (Bản địa hóa) đa tầng.

“Cách để giữ đà là luôn đặt ra mục tiêu lớn hơn” – Michael Korda

Có lẽ một trong những bài học quan trọng nhất chúng mình có được chính là khi xuất hiện một vấn đề, thay vì xem đó là trở ngại, ta nên nhận ra đó là một cơ hội để phát triển bản thân và đạt tới mục đích mới. Sự tích cực không những làm tăng hứng khởi, mà còn làm kim chỉ nam dẫn hướng chúng ta tới những quyết định khôn ngoan và kết quả tốt hơn trong công việc. Khi mà Hansem đang ngày càng phát triển, sẽ cần hơn nỗ lực từ mỗi đội ngũ và từng cá nhân để bắt kịp nhịp độ. Quan điểm và thái độ đúng đắn sẽ giúp chúng mình háo hức và sẵn sàng mở ra những cánh cửa mới.

Ở Hansem, chúng mình tin rằng cánh cửa “cơ hội” luôn mở rộng chào đón bất kỳ ai có đam mê học hỏi và khả năng phát triển bản thân. Lúc này đây, khi đã là thành viên lâu năm của Đội ngũ, khái niệm “Hoàn thành” trong bộ máy hoạt động của Hansem đã đi sâu vào tiềm thức của chúng mình, là động lực thúc đẩy chúng mình hoàn thiện bản thân, sẵn sàng đi sâu và đi dài trước mọi vấn đề. Đây cũng là tư duy tầm nhìn tối ưu của cả công ty, ở cả khía cạnh công việc và cá nhân: Học, học nữa và học mãi.

TP. Hồ Chí Minh, Tháng 9, 2020

About Hansem Global

Hansem Global is an ISO Certified and globally recognized language service provider. Since 1990, Hansem Global has been a leading language service company in Asia and helping the world’s top companies to excel in the global marketplace. Thanks to the local production centers in Asia along with a solid global language network, Hansem Global offers a full list of major languages in the world. Contact us for your language needs!